Ngôi nhà cộng đồng Cẩm Thanh tọa lạc tại địa điểm xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An,tỉnh Quảng Nam, có diện tích 1858m2 được thiết kế năm 2014 và được hoàn thành năm 2015 do kiến trúc sư trưởng là Hoàng Thúc Hào cùng nhóm Phạm Đức Trung, Nguyễn Thị Minh Thủy, Lê Đình Hùng, và Vũ Xuân Sơn cùng thiết kế và thi công.
Được xây dựng với ý nghĩa như một biểu tượng của sự kết tinh các giá trị văn hóa đồng thời góp phần cải thiện kinh tế cho các cư dân của địa phương, lấy ý tưởng thiết kế từ chính ngôi làng cùng với các nguyên vật liệu trang trí quen thuộc đã xây dựng nên khu nhà cộng đồng Cẩm Thanh với một dấu ấn độc đáo riêng.
Tổng quan về nhà cộng đồng Cẩm Thanh
Hội An từ trước đến nay đều nổi tiếng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách khắp mọi miền đến tham quan, với những khu phố cổ kính và bãi biển trải dài tuyệt đẹp, mà khu nhà cộng đồng Cẩm Thanh lại may mắn được nằm giữa khu phố cổ và bãi biển này trở thành một khu sinh thái đặc biệt quan trọng, vừa đóng vai trò là cửa sông ngập mặn với đặc trưng rừng dừa, và kênh rạch chằng chịt, thấp thoáng giữa những cánh đồng xanh ngắt là những ngôi làng nhỏ. Tuy vậy nhưng Cẩm Thanh vẫn được xem là một khu vực nghèo đời sống của người dân ở đây tương đối thiếu thốn khó khăn. Do đó, với sự xây dựng nên khu nhà cộng đồng đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện kinh tế cho cư dân do sự phát triển chung của ngành du lịch của thành phố.
Công trình nhà cộng đồng Cẩm Thanh hiện nay là nơi để tập huấn khả năng ứng phó của sự biến đổi khí hậu và còn là không gian sinh hoạt thể thao văn hóa cho cư dân ở đây. Theo kế hoạch dài hạn, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm cho ngành nông nghiệp hữu cơ để tổ chức các buổi nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm canh tác.
Thiết kế của nhà cộng đồng Cẩm Thanh
Công trình được thiết kế theo kiểu đa chức năng để thỏa mãn các tiêu chí: vừa là nơi tụ họp, ứng phó với các biến đổi của khí hậu vừa là không gian thoải mái để sinh hoạt văn hóa thể thao, về lâu dài sẽ trở thành nơi để mọi người chia sẻ các kỹ năng sống, thử nghiệm nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm trong canh tác và là điểm khám phá một Hội An xanh cho du khách khắp mọi miền đất nước.
Công trình gồm nhiều khối được kết nối liên hoàn với nhau trong một không gian nhiều cây xanh, khu nhà chính dùng để hội họp và triển lãm, tổ chức các sự kiện. Khu nhỏ hơn là thư viện xen lẫn với lớp học của các em thiếu nhi, được thiết kế với hệ vách ngăn di động, không gian khu cộng đồng có thể dễ dàng biến đổi linh hoạt, có thể thay đổi diện tích lớn nhỏ để phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Văn phòng điều hành được đặt tại khối trụ của công trình. Nằm gần sân chơi trẻ em và sân thể thao ngoài trời là khu giải khát.
Được lấy ý tưởng từ những mái dốc ở phố cổ Hội An cùng với những sân trong lại được kết hợp với vườn cau, những giàn dây leo được xem như đặc trưng thôn dã của Hội An và các vùng nông thôn miền Trung. Hình ảnh vườn cau là hình ảnh ấn tượng mang tính đặc trưng cho vùng nông thôn tạo được các điểm nhấn bằng các mảng xanh nhưng vẫn giữ được sự thoáng đãng cho không gian, kết hợp cùng giàn cây leo giăng ngang giữa những cây cau, kết hợp với cấu trúc mái có khả năng thích nghi với gió bão, và làm giảm bức xạ mặt trời tạo ra một diện tích sinh động với bóng mát rộng lớn. Sân trong được thiết kế tương tự với không gian nhà cổ Hội An, với thiết kế thông gió đối lưu. Vạt mái nhà lớn dốc vào trong thành những cái phễu thu nước mưa, được sử dụng để dẫn ra bể chứa nước phục vụ sinh hoạt tưới tiêu cây cối, một phần còn lại được tái sử dụng cho nhà vệ sinh. Với thiết kế mái lá dừa nước dùng kết cấu bằng khung tre, cột gỗ vững chắc là những chất liệu gần gũi và phù hợp với các điều kiện của địa phương. Tường được xây hai lớp gạch không nung tạo ra lớp đệm không khí giúp cách nhiệt và ngăn tiếng ồn, tất cả những đặc điểm độc đáo nói trên đã tạo ta một nhà cộng đồng Cẩm Thanh với một bản sắc độc đáo, ấn tượng riêng biệt, mang một bản sắc riêng với những nét kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Lời kết
Công trình xây dựng nhà cộng đồng Cẩm Thanh có thể xem là một kiến trúc xanh, một dạng kế thừa và phát triển kiến trúc cộng đồng của những kiến trúc sư ở văn phòng 1+1>2, theo xu hướng phát huy những yếu tố bền vững, phát triển các yếu tố văn hóa, không gian đổi mới, và cách tân phương thức sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng tại địa phương. Với công trình này chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng vào một tương lai tươi sáng trong việc định hình và sử dụng các bản sắc kiến nông thôn ở Việt Nam vào kiến trúc xây dựng trong một ngày không xa.